01 Admin Post
Nguyễn Hoàng Sơn 2023-09-21
CHỮ KÝ SỐ VÀ CHỨNG THỰC ĐIỆN TỬ KHÁC NHAU THẾ NÀO?

1. Về khái niệm chữ ký số và chứng thực điện tử - Chữ ký số: là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác: + Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa; + Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu. (Theo Khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP) - Chứng thực điện tử: hay Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính. Trong đó, bản sao điện tử là bản chụp dưới dạng điện tử từ bản chính dạng văn bản giấy hoặc tập tin có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc, bản chính dạng văn bản giấy. (Theo Khoản 9 Điều 3 Nghị định 45/2020/NĐ-CP) 2. Về giá trị pháp lý của chữ ký số và chứng thực điện tử - Chữ ký số được pháp luật công nhận là có giá trị pháp lý tương đương như chữ ký tay thông thường (Theo Điều 8 Nghị định 130/2018/NĐ-CP). Tuy nhiên, để tồn tại giá trị pháp lý, chữ ký số cần đáp ứng được các điều kiện dưới đây: + Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó. + Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp: ++ Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia; ++ Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; ++ Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 của  Nghị định 130/2018/NĐ-CP. - Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký. (Theo Điều 9 Nghị định 130/2018/NĐ-CP) - Chứng thực điện tử: theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định “Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Đồng thời, Khoản 2 Điều 14 Nghị định 45/2020/NĐ-CP nêu rõ “Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử của cơ quan có thẩm quyền có giá trị pháp lý như kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng văn bản giấy”. Như vậy, bản sao chứng thực điện tử có giá trị pháp lý như bản sao bằng giấy thông thường. 3. Điểm khác nhau giữa chữ ký số và chứng thực điện tử Để phân biệt “chữ ký số” và “chứng thực điện tử” chúng ta có thể dựa vào các tiêu chí sau đây: Tiêu chí Chữ ký số Chứng thực điện tử Đối tượng sử dụng Đối với chữ ký số trong nước: Tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đã đăng ký sử dụng chữ ký số trong nước trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với chữ ký số nước ngoài: Tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu giao dịch điện tử với đối tác nước ngoài mà chứng thư số của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trong nước chưa được công nhận tại nước đó. Đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam hoặc chấp nhận trong giao dịch quốc tế. (Theo Điều 43, 44 Nghị định 130/2018/NĐ-CP) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu chứng thực điện tử và cung cấp được bản chính giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật. Cơ quan/tổ chức thực hiện Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức hành nghề công chứng. (Theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP) Vai trò Dùng để ký kết bằng hình thức trực tuyến trong các văn bản, hợp đồng, giao dịch điện tử thay cho chữ ký viết tay truyền thống. Văn bản chứng thực (giấy tờ, văn bản, hợp đồng…) có thể sử dụng thay cho bản chính để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch. 

Chi Tiết
01 Admin Post
Nguyễn Hoàng Sơn 2023-09-21
PHÂN BIỆT HỦY VÀ TIÊU HỦY HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ

1. Điểm khác nhau giữa hủy và tiêu hủy hóa đơn điện tử Căn cứ theo Khoản 10 Điều 3 và Điểm a Khoản 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định: - Hủy hóa đơn, chứng từ là làm cho hóa đơn, chứng từ đó không có giá trị sử dụng. Có thể hiểu việc hủy hóa đơn thì hóa đơn vẫn còn tồn tại ở trên hệ thống thông tin và có thể tra cứu, kiểm tra được, chỉ là hóa đơn này không còn giá trị sử dụng nữa. - Tiêu hủy hóa đơn được chia làm 02 dạng là tiêu hủy hóa đơn điện tử và tiêu hủy hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, cụ thể: + Tiêu hủy hóa đơn, chứng từ điện tử là biện pháp làm cho hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử không còn tồn tại trên hệ thống thông tin, không thể truy cập và tham chiếu đến thông tin chứa trong hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử. + Tiêu hủy hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, tiêu hủy chứng từ đặt in, tự in là việc sử dụng biện pháp đốt cháy, cắt, xé nhỏ hoặc hình thức tiêu hủy khác, đảm bảo hóa đơn, chứng từ đã tiêu hủy sẽ không thể sử dụng lại các thông tin, số liệu trên đó. 2. Trường hợp hủy hóa đơn điện tử Căn cứ theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP và điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC, các trường hợp hủy hóa đơn điện tử bao gồm: - Hóa đơn điện tử đã được cấp mã bị sai sót chưa gửi cho người mua. + Khi người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán phải thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót. + Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã do có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế. - Người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn. 3. Trường hợp tiêu hủy hóa đơn đặt in mua của cơ quan thuế Theo Điều 27 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp tiêu hủy hóa đơn đặt in mua của cơ quan thuế như sau: - Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh có hóa đơn không tiếp tục sử dụng phải thực hiện tiêu hủy hóa đơn. Thời hạn tiêu hủy hóa đơn chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày thông báo với cơ quan thuế.  Trường hợp cơ quan thuế đã thông báo hóa đơn hết giá trị sử dụng (trừ trường hợp thông báo do thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế), doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thì đơn vị phải tiêu hủy hóa đơn, thời hạn tiêu hủy hóa đơn chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày cơ quan thuế thông báo hết giá trị sử dụng hoặc từ ngày tìm lại được hóa đơn đã mất. Các loại hóa đơn đã lập của các đơn vị kế toán được hủy theo quy định của pháp luật về kế toán. - Cơ quan Thuế thực hiện tiêu hủy hóa đơn do Cục Thuế đặt in đã thông báo phát hành chưa bán hoặc chưa cấp nhưng không tiếp tục sử dụng. 

Chi Tiết
01 Admin Post
Nguyễn Hoàng Sơn 2023-09-21
KIỂM TRA HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ, NGĂN CHẶN XUẤT HÓA ĐƠN KHỐNG

1. Tổng cục Thuế chỉ đạo kiểm tra hóa đơn điện tử, ngăn chặn xuất hóa đơn khống Ngày 14/6/2023, Tổng cục thuế ban hành Công văn 2392/TCT-QLRR 2023 yêu cầu Cục Thuế tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra hóa đơn điện tử. Theo đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng chức năng trên ứng dụng hóa đơn điện tử đáp ứng yêu cầu kiểm soát hóa đơn điện tử, ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống. Một số chức năng chính như sau: - Hệ thống tự động kiểm soát tổng giá trị hàng hóa bán ra trên các hóa đơn đã xuất so với ngưỡng giá trị hàng hóa đầu vào được tính toán bằng K lần tổng giá trị hàng tồn kho và tổng giá trị trị hàng hóa mua vào. - Hệ thống cảnh báo thực hiện theo tham số K. Trên cơ sở đó, các trường hợp người nộp thuế (NNT) vượt ngưỡng sẽ cảnh báo và đưa vào danh sách quản lý. Sử dụng chức năng tra cứu danh sách NNT cảnh báo để/xem xét, xác định các trường hợp thuộc diện ngừng sử dụng hóa đơn theo quy định. Cơ quan thuế sử dụng chức năng đã có khi triển khai phần mềm HĐĐT để thông báo ngừng/tiếp tục sử dụng hóa đơn (đáp ứng quy định tại Điều 16, Nghị định 123/2020/NĐ-CP). Lưu ý: Trước khi thực hiện triển khai chính thức, Tổng cục Thuế tổ chức kiểm tra kết quả kiểm soát theo giá trị hệ số K ban đầu. K = Tổng giá trị hàng hóa bán ra trên hóa đơn / (Tổng giá trị hàng tồn kho + Tổng giá trị hàng hóa mua vào trên hóa đơn) Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế tổ chức kiểm tra “Danh sách NNT thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn” theo hướng dẫn tại Công văn. Xem thêm: Cách xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót theo Công văn 1647/TCT-CS. Công văn 56954/CTHN-TTHT: Hướng dẫn xuất hóa đơn cho hộ kinh doanh theo phương pháp khoán. 2. Kế hoạch thực hiện kiểm tra, rà soát hóa đơn điện tử Kế hoạch thực hiện: Từ ngày 15/6/2023 triển khai chức năng “Danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn” tại ứng dụng hóa đơn điện tử phục vụ cho công tác kiếm soát hóa đơn điện tử, ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống trên phân hệ ứng dụng hóa đơn điện tử. Tổ chức thực hiện: Cục Thuế phân công công chức phụ trách triển khai thực hiện kết xuất “Danh sách NNT thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn” trên chức năng liên quan tại Ứng dụng hóa đơn điện tử với tham số ngày giám sát là 14/6/2023 (theo đó, dữ liệu kiểm soát sẽ được tổng hợp đến hết ngày 14/6/2023). Trên cơ sở danh sách kết xuất được, cơ quan thuế phân công công chức thực hiện kiểm tra NNT theo quy định hiện hành. - Về nghiệp vụ: Thông qua số điện thoại tổng đài của Tổng cục: 024.39712555/ số máy lẻ 8023 (đ/c Nguyễn Thị Ngọc Thu, email: ntnthu@gdtgov.vn). - Về ứng dụng: Mọi vướng mắc trong quá trình triển khai, Cục Thuế liên hệ qua hệ thống quản lý yêu cầu hỗ trợ Service desk (https://hotro.gdt.gov.vn) hoặc liên hệ bộ phận hỗ trợ qua số điện thoại (024) 73 055 999 - email: nhomhotrohddt@gdt.gov.vn. - Báo cáo kết quả: Cục Thuế tổng hợp kết quả triển khai gửi về Tổng cục Thuế (Ban Quản lý rủi ro) theo mẫu tại phụ lục (kèm theo công văn). Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế, Cục Thuế đề xuất hệ số K theo thực tế quản lý. Báo cáo và đề xuất gửi về Tổng cục Thuế (qua Ban Quản lý rủi ro) trước ngày 30/6/2023. 3. Hóa đơn khống là gì? Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về việc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ trong đó có thể nhận biết sử dụng hóa đơn khống thông qua các hành vi sau:  - Phát hành hóa đơn giả: là loại hóa đơn được in và làm giống như mẫu của loại hóa đơn được làm trước đó, thậm chí là để trùng số,cùng một ký hiệu hóa đơn hợp pháp. - Các hóa đơn chưa có giá trị sử dụng: là loại hóa đơn đã được tạo ra nhưng chưa có thông báo chính thức nào về việc phát hành trên thị trường - Sử dụng hóa đơn hết giá trị sử dụng: là loại hóa đơn đã thực hiện đầy đủ các thủ tục phát hành nhưng do tổ chức hoặc cá nhân không sử dụng nữa. Có thể là do bị mất hóa đơn và báo tình trạng này với cơ quan thuế nhà nước. Như vậy, hóa đơn khống hay hóa đơn xuất khống được hiểu là những hóa đơn lập nhưng không có thật. Hoặc chỉ có một phần thông tin đúng sự thật còn lại là để khai khống để đáp ứng nhu cầu của người mua. Hóa đơn khống chính là hóa đơn sử dụng bất hợp pháp. 

Chi Tiết
01 Admin Post
Nguyễn Hoàng Sơn 2023-09-21
XỬ LÝ SAI SÓT ĐỐI VỚI HÓA ĐƠN MUA CỦA CƠ QUAN THUẾ ĐÃ LẬP

1. Quy định của pháp luật về xử lý sai sót khi xuất hóa đơn bán hàng Theo Điều 26 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về Xử lý đối với hóa đơn mua của cơ quan thuế đã lập như sau: “Điều 26. Xử lý đối với hóa đơn mua của cơ quan thuế đã lập Trường hợp hóa đơn đã lập chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn đã lập có sai sót, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc hóa đơn đã lập và giao cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số, ký hiệu. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-). Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc hai bên lập biên bản ghi rõ sai sót trước khi người bán lập hóa đơn điều chỉnh thì các bên lập biên bản ghi rõ sai sót sau đó người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót.” Theo đó việc xử lý sai sót khi xuất hóa đơn bán hàng được chia thành 04 trường hợp sau: - Trường hợp 01: Người bán đã lập hóa đơn nhưng chưa giao cho người mua mà phát hiện sai sót thì: + Người bán gạch chéo các liên của hóa đơn đã lập. + Người bán lưu giữ số hóa đơn đã lập có sai sót. + Người bán lập lại hóa đơn mới giao lại cho người mua. - Trường hợp 02: Nếu hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì: + Người bán và người mua lập biên bản điều chỉnh. + Không phải lập hóa đơn điều chỉnh. (không cần phải lập hóa đơn mới cho người mua) - Trường hợp 03: Người bán đã lập hóa đơn và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung cấp dịch vụ, giữa các bên chưa kê khai thuế mà phát hiện sai sót thì: + Người bán và người mua phải hủy bỏ hóa đơn. + Người bán và người mua phải lập biên bản thu hồi các liên của hóa đơn đã lập sai. + Biên bản thu hồi hóa đơn cần nêu rõ lý do thu hồi. + Đồng thời người bán gạch chéo các liên của hóa đơn, lưu giữ số hóa đơn đã lập sai, và lập lại hóa đơn mới cho người mua theo quy định. - Trường hợp 04: Người bán đã lập hóa đơn và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung cấp dịch vụ, giữa các bên đã kê khai thuế nhưng sau đó phát hiện sai sót thì: + Người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. + Hóa đơn phải ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm), số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số, ký hiệu. + Người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào theo hóa đã được điều chỉnh. * Lưu ý: + Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-). + Nếu người bán và người mua có thỏa thuận lập biên bản điều chỉnh sai sót trước khi người bán lập hóa đơn điều chỉnh thì các bên cần ghi rõ sai sót trong biên bản điều chỉnh, sau đó người bán sẽ lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. 2. Quy định pháp luật về tên liên hóa đơn Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC  được hướng dẫn bởi Mục 2 Công văn 1839/TCT-CS năm 2014  thì tên của liên hóa đơn như sau: Liên hóa đơn là các tờ trong cùng một số hóa đơn. Mỗi số hóa đơn phải có từ 2 liên trở lên và tối đa không quá 9 liên, trong đó: + Liên 1: Lưu. + Liên 2: Giao cho người mua. Các liên từ liên thứ 3 trở đi được đặt tên theo công dụng cụ thể mà người tạo hóa đơn quy định. Riêng hóa đơn do cơ quan thuế cấp lẻ phải có 3 liên (Theo điểm c khoản 2 Điều 4 Thông thư 78/2021/TT-BTC quy định về tên liên hóa đơn do Cục thuế đặt in) trong đó liên 3 là liên nội bộ lưu tại cơ quan thuế. Đối với các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan có thẩm quyền tạo, phát hành hóa đơn có từ 3 liên trở lên, trong đó, giao cho người mua 2 liên: liên 2 “giao cho người mua” và một liên dùng để đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng chỉ tạo hóa đơn 2 liên thì tổ chức, cá nhân mua tài sản thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng (ô tô, xe máy…) với cơ quan có thẩm quyền mà liên 2 của hóa đơn phải lưu tại cơ quan quản lý đăng ký tài sản (ví dụ: cơ quan công an…) được sử dụng các chứng từ sau để hạch toán kế toán, kê khai, khấu trừ thuế, quyết toán vốn ngân sách nhà nước theo quy định: Liên 2 hóa đơn (bản chụp có xác nhận của người bán), chứng từ thanh toán theo quy định, biên lai trước bạ (liên 2, bản chụp) liên quan đến tài sản phải đăng ký. 

Chi Tiết
01 Admin Post
Nguyễn Hoàng Sơn 2023-09-21
CÓ BẮT BUỘC PHẢI NỘP BÁO CÁO TÌNH HÌNH SỬ DỤNG HÓA ĐƠN?

Theo Quyết định số 1421/QĐ-BTC của Bộ Tài chính được ban hành ngày 15/07/2022 công bố Danh mục báo cáo định kỳ trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Đồng thời, trong quyết định còn có quy định về việc doanh nghiệp phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Theo đó, báo cáo sử dụng hóa đơn được quy định như sau: - Đối tượng thực hiện báo cáo: Tổ chức kinh tế, Doanh nghiệp, Hộ, cá nhân kinh doanh. - Cơ quan nhận báo cáo: Cục Thuế, Chi cục Thuế (Tiếp nhận qua cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế).  - Tần suất thực hiện báo cáo: Theo quý - Văn bản quy định chế độ báo cáo: Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo như Nghị định 123/2020/NĐ-CP được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2022. Tại Điều 29, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh cần nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn như sau: “Điều 29. Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đặt in đã mua của cơ quan thuế và bảng kê hóa đơn sử dụng trong kỳ 1. Hàng quý, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh mua hóa đơn của cơ quan thuế có trách nhiệm nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và bảng kê hóa đơn sử dụng trong kỳ cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn được nộp theo quý chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh việc sử dụng hóa đơn theo Mẫu số BC26/HĐG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp trong kỳ không sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn ghi số lượng hóa đơn sử dụng bằng không (= 0), không cần gửi bảng kê hóa đơn sử dụng trong kỳ. Trường hợp kỳ trước đã sử dụng hết hóa đơn, đã báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn kỳ trước với số tồn bằng không (0), trong kỳ không mua hóa đơn, không sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh không phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. 2. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và bảng kê hóa đơn sử dụng trong kỳ khi chia, tách, sáp nhập, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước cùng với thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế. 3. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh đến địa bàn khác địa bàn cơ quan thuế đang quản lý trực tiếp thì phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và bảng kê hóa đơn sử dụng trong kỳ với cơ quan thuế nơi chuyển đi.” Như vậy, chỉ bắt buộc doanh nghiệp phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn điện tử đối với trường hợp doanh nghiệp mua hóa đơn của cơ quan thuế theo Quyết định số 1421/QĐ-BTC về chế độ báo cáo tại Điều 29 Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Lưu ý: - Trường hợp trong kỳ không sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp của anh nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn ghi số lượng hóa đơn sử dụng bằng không (= 0), không cần gửi bảng kê hóa đơn sử dụng trong kỳ. - Trường hợp kỳ trước doanh nghiệp của anh đã sử dụng hết hóa đơn, đã báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn kỳ trước với số tồn bằng không (0), trong kỳ không mua hóa đơn, không sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp không phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Ngoài ra trong trường hợp doanh nghiệp của anh xuất hóa đơn điện tử theo Thông tư 78/2021/TT-BTC (không thuộc trường hợp mua hóa đơn của cơ quan thuế theo nghị định trên) thì không cần phải lập Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn điện tử. 

Chi Tiết
01 Admin Post
Nguyễn Hoàng Sơn 2023-09-21
MỨC GIẢM TRỪ GIA CẢNH KHI NỘP THUẾ TNCN NĂM 2023

1. Giảm trừ gia cảnh là gì? Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh được tính cho 2 trường hợp sau: + Giảm trừ cho bản thân người đóng thuế thu nhập cá nhân; + Giảm trừ cho người phụ thuộc nộp thuế. Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế. 2. Ai là người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh? Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm: - Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động; - Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng. Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn xác định người phụ thuộc nhằm xét giảm trừ gia cảnh như sau: Người phụ thuộc là con cái: Theo đó, người phụ thuộc là con của người nộp thuế gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể: - Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng). - Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động. - Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. Người phụ thuộc khác: - Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng điệu kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC. - Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC. - Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC bao gồm: + Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế. + Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế. + Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột. + Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật. Điều kiện để được tính là người phụ thuộc: Cá nhân được tính là người phụ thuộc phải đáp ứng các điều kiện sau: - Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện dưới đây: + Bị khuyết tật, không có khả năng lao động. + Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. - Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. 3. Mức giảm trừ gia cảnh nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2023 Mức giảm trừ gia cảnh năm 2023 được thực hiện theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, như sau: - Mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); - Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. 

Chi Tiết
01 Admin Post
Nguyễn Hoàng Sơn 2023-09-21
KHÔNG PHÁT SINH KHẤU TRỪ THUẾ TNCN CÓ PHẢI NỘP TỜ KHAI?

1. Không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân có phải nộp tờ khai? Tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định những trường hợp người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, cụ thể: - Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế. - Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản. - Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng. - Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định này. - Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế. Như vậy, theo quy định trên người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế đối với 5 trường hợp này. Ngoài ra, tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2022 cũng quy định thêm trường hợp mà người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế như sau: “Người khai thuế thu nhập cá nhân là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế theo tháng, quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nhận thu nhập.” Như vậy, từ ngày 30/10/2022 thì nếu trong tháng, quý không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nhận thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập theo quy định khai thuế theo tháng, quý sẽ không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân trong tháng, quý đó. 2. Chậm nộp tờ khai bị xử phạt như thế nào? Doanh nghiệp chậm nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân, sẽ bị xử phạt vị phạm hành chính theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau: Theo đó, quy định mức phạt hành chính đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế như sau: - Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ; - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định nêu trên; - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày; - Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: + Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày; + Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp. - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế. Lưu ý: - Mức phạt nêu trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân - Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo quy định trên lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp vi phạm bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định nêu trên. - Trường hợp hành vi vi phạm thực hiện trước ngày 05/12/2020 nhưng hành vi vi phạm đó kết thúc kể từ ngày 05/12/2020 thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm đó. 

Chi Tiết
01 Admin Post
Nguyễn Hoàng Sơn 2023-09-21
NHẬN THỪA KẾ CÓ PHẢI NỘP THUẾ TNCN KHÔNG?

1. Tài sản nhận thừa kế có phải chịu thuế TNCN? Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản phải chịu thuế TNCN, trong đó tại khoản 9 có đề cập đến thu nhập từ nhận thừa kế, bao gồm: - Tài sản thừa kế là chứng khoán: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác; cổ phần của cá nhân trong công ty cổ phần. - Tài sản thừa kế là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh: vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã,…; vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân. - Tài sản thừa kế là bất động sản: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức. - Tài sản thừa kế là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao. Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa các chủ thể sau sẽ được miễn thuế: - Vợ với chồng; - Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; - Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; - Cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; - Ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; - Anh, chị, em ruột với nhau. Như vậy, tài sản có được do nhận thừa kế gồm chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 đều thuộc đối tượng chịu thuế. 2. Trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế 2.1. Thành phần hồ sơ Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế bao gồm: - Giấy chứng tử của người để lại di sản; - Bản sao di chúc (trường hợp thừa kế theo di chúc); - Giấy tờ về nhân thân của các thừa kế (hộ khẩu, CMNC/CCCD,…); - Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người nhận di sản và người để lại di sản (trường hợp thừa kế theo pháp luật); - Các giấy tờ chứng minh tài sản để lại (Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; giấy chứng nhận cổ phần,…); - Các giấy tờ khác (giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy đăng ký kết hôn,…) 2.2. Khai nhận di sản thừa kế Khai nhận di sản thừa kế được thực hiện theo Điều 57, 58 Luật Công chứng 2014, theo đó: Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định. Nếu hồ sơ đã đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản. - Việc thụ lý phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó hoặc nơi có bất động sản là di sản. - Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế. Các đồng thừa kế có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế. Khi đã hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế trên, người được hưởng di sản phải thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật: – Đối với tài sản là đất đai, nhà cửa thì người thừa kế thực hiện thủ tục đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tại nơi có đất. – Đối với tài sản là ô tô, xe máy thì người thừa kế thực hiện thủ tục đăng ký tại Cơ quan đăng ký xe. 

Chi Tiết